Cảm nhận âm nhạc - Tám Điệp Khúc: “Trời làm cho mưa bay giăng giăng…”

Bài hát “Tám Điệp Khúc” là một ca khúc đặc biệt của nhạc sĩ Anh Việt Thu. Đây là 1 trong 2 ca khúc mà ông viết theo điệu ngũ cung của dân tộc, cùng với bài Đa Tạ. Người nghe nhạc dù không hiểu biết về nhạc lý, cũng có thể nhận ra sự khác biệt giữa 2 bài hát này với hàng ngàn bài nhạc vàng khác.

Có nhiều ngộ nhận về năm sáng tác của bài hát Tám Điệp Khúc. Nhiều người vin vào câu “hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về” trong bài hát để phỏng đoán bài hát được sáng tác khoảng 1974. Tuy nhiên trong tờ nhạc in lần thứ nhất của Tám Điệp Khúc, có ghi giấy phép xuất bản là năm 1965, tác giả tự xuất bản. Vậy chắc chắn bài hát này phải được viết vào trước thời điểm đó. Theo một bài viết của thi sĩ Du Tử Lê, ông cho rằng Anh Việt Thu sáng tác bài hát đầu tiên Giòng An Giang năm 17 tuổi (1956). Chỉ vài năm sau, khi vừa qua tuổi 20, Anh Việt Thu sáng tác Tám Điệp Khúc. Vậy là bài hát này được sáng tác từ đầu thập niên 1960, vậy mà Anh Việt Thu đã đoán được kỳ hạn 20 năm của miền Nam Việt Nam (1955-1975) để đưa vào bài hát. Bên cạnh “20 năm ngăn lối rẽ đường về” trong Tám Điệp Khúc, 20 năm cũng là mốc thời gian được đưa vào nhiều sáng tác trước 1975: “hơn 20 năm chinh chiến điêu tàn”, “rồi 20 năm sau”, “20 năm nội chiến từng ngày”…

Một tư liệu khác cho biết khoảng năm 1964, nhạc sĩ Anh Việt Thu đã chuyển đến Tây Ninh dạy nhạc tại trường Nam Trung học Tây Ninh. Khi đến đây nhạc sĩ đã sáng tác và nổi tiếng với ca khúc “Tám Điệp khúc”. Mốc thời gian này hợp lý vì bản in đầu tiên của tờ nhạc Tám Điệp Khúc được phát hành năm 1965.

Có nhiều người yêu nhạc thắc mắc về cái tên của bài hát. Vì sao lại tên là “Tám Điệp Khúc”? Có người sẽ đếm thử các đoạn điệp khúc trong bài hát, hoặc đếm đoạn nhạc. Nhưng nhìn đi nhìn lại, cũng chỉ có 1 đoạn điệp khúc được lặp lại, và cả bài hát cũng chỉ có 7 đoạn nhạc. Người viết có được đọc một bài phân tích trên mạng rất cầu kỳ về bài hát này, chia Tám Điệp Khúc ra thành các Điệp Khúc, Phiên Khúc, Tiểu Điệp Khúc… rất phức tạp, hoàn toàn không thuyết phục.

Nếu nhìn lại tờ nhạc được phát hành trước 75 của bài này, dễ dàng nhận thấy chính nhạc sĩ Anh Việt Thu đã phân thành “8 đoạn Điệp Khúc” rõ ràng cho bài “Tám Điệp Khúc”, và cẩn thận đánh số luôn từng điệp khúc đó. Xin vui lòng xem đánh số bên dưới, được chép y nguyên từ tờ nhạc cho dễ nhìn:

1. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. 
Bàn tay năm ngón mưa sa. 
Dìu anh trong tiếng thở. 
Đưa tiễn anh đi vào đời. 
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về. 

2. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. 
Bàn tay đón gió muôn phương.Bàn tay đan gối mộng
Đưa tiễn anh đi vào đời 
Mẹ Việt Nam ơi, Hai mươi năm ngăn lối rẽ đường về.

3. Tiếng hát hát trên môi. 
Giấc ngủ ngủ trong nôi. 
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu. 
Ôi tiếng chim muông gọi đàn. 
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời. 

4. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. 
Nằm nghe tiếng hát đu đưa. 
Dìu anh trong giấc ngủ. 
Ôi tiếng ru ru ngọt ngào. 
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời. 

5. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. 
Từng đêm ấp ủ trong tim. 
Từng đêm khe khẽ gọi. 
Anh nhớ thương em từng giờ. 
Mẹ Việt Nam ơi! Ai chia ly tan tác cả ngàn đời. 

6. Tiếng hát hát trên môi. 
Giấc ngủ ngủ trong nôi. 
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu. 
Ôi tiếng chim muông gọi đàn. 
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời.

7. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. 
Trùng dương sóng nước bao la. 
Trùng dương vang tiếng gọi. 
Ôi sóng thiêng em về Trời. 
Mẹ Việt Nam ơi, con xin ghi xin khắc nguyện lời thề. 

8. Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. 
Rừng thiêng lá đổ âm u. 
Rừng thiêng vang tiếng gọi. 
Ôi núi thiêng em về nguồn. 
Mẹ Việt Nam ơi, con xin ghi xin khắc nguyện lời thề.

Nói về khái niệm Điệp Khúc, đúng ra, điệp khúc phải là phần lặp lại y nguyên cả phần nhạc lẫn lời, được hát sau phần Phiên Khúc. Vì vậy nếu xét về điệp khúc đúng nghĩa thường thấy, trong bài Tám Điệp Khúc này, chỉ có một điệp khúc là đoạn số 3 bên trên, lặp lại y nguyên ở đoạn số 6 như sau:

Tiếng hát hát trên môi. 
Giấc ngủ ngủ trong nôi. 
Một đàn, đàn chim nhỏ bay khắp trời Việt Nam mến yêu. 
Ôi tiếng chim muông gọi đàn. 
Mẹ Việt Nam ơi, con xin dâng xin hiến trọn cả đời.

Vậy trong bài hát này, Anh Việt Thu sửa lại 1 chút về khái niệm điệp khúc. 8 đoạn nhạc chép ra bên trên chính là “8 điệp khúc” của Anh Việt Thu. 8 đoạn Điệp Khúc này chỉ được lặp lại về phần giai điệu, chứ không lặp lại y nguyên phần lời theo nghĩa “điệp khúc” thường thấy.

Về nội dung bài hát, câu từ trong bài này khá đơn giản, tương đối tượng hình để người nghe có thể dễ dàng hình dung được bức tranh trong bài hát với nhiều gam màu, giai điệu thì lênh đênh như vận mệnh đất nước nổi trôi. Đặc biệt câu hát chủ đạo “Trời làm cho mưa bay giăng giăng, mây tím dệt thành sầu” được lặp lại nhiều lần trong 6/8 đoạn, là màu sắc buồn giăng khắp bức tranh trong bài hát.

Trong phần đề tựa cho bài hát, Anh Việt Thu ghi: “bài hát của chàng dành ru khi nàng buồn ngủ”. Tác giả ghi rõ là “chàng ru nàng”, nhưng trong bài hát, dễ dàng nhận thấy nửa đầu của bài là các hình ảnh của “nà`ng ru chàng”, là bức tranh tình yêu nhẹ nhàng với câu hát dìu dặt người nghe:

Bàn tay năm ngón mưa sa. 
Dìu anh trong tiếng thở

Bàn tay đón gió muôn phương. 
Bàn tay đan gối mộng

Nằm nghe tiếng hát đu đưa. 
Dìu anh trong giấc ngủ. 

Nội dung bài hát là câu chuyện tình trai gái, nhưng hơn hết, là tình yêu non nước, chờ đợi nhau khi người trai phải ra đi trong hoàn cảnh đất nước chia đôi: “ngăn lối rẽ đường về”. Hình ảnh “bàn tay năm ngón mưa sa” thể hiện là người con gái ở lại tần tảo sớm hôm, gian khổ nuôi hy vọng người sẽ về.

Ở đoạn thứ 3,6 (được lặp lại 2 lần) là hình ảnh giấc mộng về một ngày mai thanh bình. Có giấc ngủ nào bình yên hơn “giấc ngủ trong nôi”, gợi về cái thời êm ả nhất của đời người. Ở đó có đàn chim trắng bay khắp trời và về gọi nhau giữa trời đất nước thanh bình. Chàng trai đã nguyện dâng hiến cả đời mình cho giấc mơ đó.

Nếu ở đoạn 1 và 2 là hình ảnh “đưa tiễn anh đi vào đời”, thì ở ở đoạn 4,5 là sự tưởng nhớ nhau khi cách biệt. Tình yêu sắt son đã nối liền khoảng cách địa lý xa xôi, tưởng như có thể khe khẽ gọi nhau và dìu được nhau trong giấc ngủ.

Ai đã làm cho đôi lứa chia ly tan tác cả ngàn đời?

Ở 2 đoạn cuối (7,8), đôi trai gái đã thật sự cách biệt ngàn đời khi “sóng thiêng em về trời”. Câu hát ý nhị nói lên rằng một ngày kia, người trai chưa kịp về thì người con gái đã chết, không rõ lý do. Mà trong thời chiến, người ta có hàng trăm ngàn lý do để chết, để mà xa nhau. Khi chết đi, cả núi non sông nước đã ôm trọn người về (sóng thiêng, núi thiêng). Tình yêu của họ gắn với núi sông. Khi nằm lại, họ cũng về với núi sông. Tám Điệp Khúc là 1 trong những bài có nhiều bản thu âm trước 1975 nhất. 


(Nguồn: nhacxua.vn)

Đặc biệt, bài hát này còn được cố soạn giả Viễn Châu soạn lời vọng cổ được nghệ sĩ Ngọc Giàu hát phần cổ nhạc và phần tân nhạc do 2 ca sĩ Thanh Vũ & Trang Mỹ Dung trình bày. Mời các bạn thưởng thức bài tân cồ này.